Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục có nhiều dấu hiệu khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Giá trị tổng sản phẩm địa phương (GRDP) 9 tháng năm 2022 tăng 8,92% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng bình quân cả nước 0,09 điểm phần trăm (GDP cả nước tăng 8,83%), xếp thứ 7 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và xếp thứ 3 trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó: nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,04%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,88% (riêng công nghiệp tăng 9,96%); dịch vụ tăng 13,43%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,94% so với cùng kỳ. Các hoạt động văn hoá - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Với đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế, qua 9 tháng, toàn tỉnh có 973 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 8.515 tỷ đồng, tăng 35,7% về số doanh nghiệp và 7,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 69.452 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ; Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng ước đạt 1.264 triệu USD, đạt 93,6% kế hoạch năm và tăng 28,1% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2022 là 12.095,6 tỷ đồng, đạt 99,1% dự toán, tăng 24% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa (trừ thu tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ tức, lợi nhuận được chi và lợi nhuận còn lại) là 4.923,8 tỷ đồng, đạt 81,4% dự toán, giảm 1,2% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thì vẫn còn một số tồn tại như hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa phục hồi nhanh, tình trạng lấn chiếm đất đai, ô nhiễm môi trường tại một số cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, khu chăn nuôi, khai thác khoáng sản còn xảy ra ở một số địa phương, do tác động covid-19 nên đời sống, sinh hoạt và thu nhập người dân còn thấp.
Hội nghị đã dành thời gian để các đại biểu của tỉnh và các địa phương thảo luận cũng như đưa ra những giải pháp điều hành, đưa ngành và địa phương vượt qua những khó khăn, thách thức để giành lấy kết quả khả quan hơn trong 3 tháng cuối năm…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, bức tranh kinh tế của tỉnh có nhiều điểm sáng, có sự phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, đối với 2 ngành nông nghiệp và công thương, cần phải có sự nỗ lực hơn nữa để hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng đề ra. Trong đó, nông nghiệp phát huy dư địa trên lĩnh vực chăn nuôi, khai thác đánh bắt thủy hải sản, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng từ 3-3,2%. Trong lĩnh vực chăn nuôi cần tiếp tục hỗ trợ người dân mở rộng chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuẩn bị lượng hàng hóa đảm bảo cung ứng kịp thời trong dịp Tết nguyên đán tới đây. Với ngành công thương, cần tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp đỡ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu….
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu chính UBND tỉnh
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ghi nhận, đánh giá cao kết quả phục hồi, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh trong 9 tháng qua. Đây là thành quả chung, của sự cố gắng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng, Bình Định vẫn còn nhiều dư địa, điều kiện để tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới.
Về phương hướng điều hành, thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sắp tới, việc điều hành thực hiện các nhiệm vụ sẽ dựa theo các chỉ số được HĐND tỉnh giao, trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ giao cụ thể các chỉ tiêu cho từng cấp, ngành, địa phương. Tất cả 19 chỉ tiêu phát triển cả năm đều phải có số liệu, định lượng rõ ràng để điều hành và thống nhất trên toàn hệ thống. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, trong tuần tới, Tổng Cục Thống kê sẽ vào làm việc với tỉnh, tiến hành rà soát, lấy Bình Định là điểm mẫu để xây dựng các dữ liệu điều hành, phát triển từ cấp huyện trở lên. Đây là cơ sở quan trọng để định lượng, từ đó có những phân tích, đánh giá, đề ra giải pháp phát triển cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Cục Thống kê tỉnh và các đơn vị thống nhất số liệu báo cáo, tập huấn hướng dẫn toàn hệ thống hiểu số liệu từ đó nhập liệu và điều hành. Cục Thống kê chủ động chuyển số liệu hàng tháng, hàng quý đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến các sở, ngành, địa phương để nắm theo đúng mẫu biểu và như vậy các sở, ngành, địa phương thêm phần phân tích nữa là xong. Về hành động: thứ nhất, Ông muốn toàn hệ thống đổi mới cách điều hành theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bức phá”; thứ hai, dành 60% -70% thời gian thực thi công tác, quản lý nhà nước theo lĩnh vực và theo địa phương, còn lại 30% - 40% thời gian để đổi mới phát triển lĩnh vực của mình, đặc biệt là phát triển kinh tế. Thực hiện theo nguyên tắc đẩy nhanh tiến độ công việc, tập trung giải quyết các vướng mắc của người dân và DN trên tinh thần thấu tình, đạt lý, những vướng mắc không giải quyết được phải báo cáo kịp thời để tỉnh định hướng giải quyết.
9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 973 doanh nghiệp thành lập mới
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở ngành, địa phương bên cạnh nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu được giao, cần tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trên từng lĩnh vực trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Theo đó, trước mắt cần phát huy nội lực, khai thác tốt các dư địa tăng trưởng, bằng những ngành nghề đã có sự chuyển đổi, đổi mới; khuyến khích phát triển hết năng lực hiện có của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn. Các cấp, các ngành phải tạo điều kiện thuận lợi, tháo gõ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất. Trong cải cách hành chính, cần rà soát các khâu, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, hỗ trợ.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị trong 3 tháng cuối năm phải tập trung hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển năm 2022 được giao, từ đó tạo tiền đề để phát triển cho năm 2023 và những năm tiếp theo. Đồng thời phải hoàn thiện phương án phòng chống lụt bão. Theo đó, Sở NN&PTNT, Sở Thông tin và truyền thông phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Phụ nữ tỉnh cùng chính quyền cấp huyện, xã rà soát, nhập liệu lại toàn bộ cơ sở dữ liệu nhà cửa, dân cư, lực lượng, phương tiện tại chỗ, từ đó sẽ có phương án cụ thể, chủ động các biện pháp ứng phó thích hợp trong mùa mưa bão.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý các sở ngành, địa phương cần tập trung xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư; xử lý nghiêm các vụ việc lấn chiếm đất đai…
Tác giả: Thùy Trang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn